image banner
Điều kiện tự nhiên

1 Khí hậu

Dựa trên báo cáo thời tiết khí hậu của Trạm Khí tượng thủy văn Kiến Bình, huyện Tân Thạnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa: mùa mưa và mùa khô; mùa mưa cuối tháng 4 đến cuối tháng 11, mùa khô từ đầu tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tân Thạnh nằm trong vùng có nền nhiệt độ cao, tổng nhiệt độ lớn, lượng mưa phân bố theo mùa rõ rệt.

a) Nhiệt độ

Không có sự phân hóa đáng kể theo mùa về nhiệt độ. Theo điều tra thống kê, nhiệt độ trung bình qua các năm của huyện Tân Thạnh là: 26,90C, trong đó nhiệt độ trung bình tháng cao nhất trong năm là 29,80c, thấp nhất là 26,10C.

Nhìn chung nhiệt độ ở Tân Thạnh cao và khá ổn định, nhiệt độ trung bình của ngày trong tháng không dưới 260C, chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất chỉ là 3 - 40C.

a) Nắng

Tân Thạnh nằm trong vùng giàu ánh sáng, có số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.318 giờ/năm, có đến 5 tháng có số giờ nắng lớn hơn 200 giờ/tháng, bình quân có khoảng 6 - 7 giờ nắng/ngày, số giờ nắng cao nhất có thể đạt tới 10-12giờ/ngày (vào mùa khô) và thấp nhất 4-5 giờ/ngày.

Tháng có giờ nắng nhiều nhất là tháng 1 khoảng 235 giờ, ít nhất là tháng 10, khoảng 128 giờ.

c) Mưa

Tân Thạnh có lượng mưa cả năm là 1.285mm nhưng phân bố không đều trong năm, vào mùa mưa chiếm tới 85,6% tổng lượng mưa cả năm.

Các tháng mùa khô, lượng mưa rất nhỏ, chỉ khoảng 14,4% lượng mưa cả năm. Trong các tháng mùa khô, nếu không có thủy lợi đảm bảo nước tưới thì cây trồng sinh trưởng và phát triển kém, sản xuất nông nghiệp bị hạn chế.

Ngược lại, trong các tháng mùa mưa (tháng 9, 10, 11), nếu không có biện pháp tiêu thoát nước, kết hợp gặp lúc triều cường, đồng ruộng sẽ bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

d) Độ ẩm

Độ ẩm không khí bình quân năm là: 82,4% mùa khô có độ ẩm trung bình là: 80,3%, vào mùa mưa độ ẩm trung bình là 85,2%.

Tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất là tháng 1 là 80% và tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 6 là 86%.

e) Gió

Tân Thạnh chịu ảnh hưởng 3 mùa gió là: gió Nam và Đông Nam, gió Bắc và gió Đông Bắc, gió Tây và gió Tây Nam.

Gió Bắc-Đông Bắc thường xuất hiện trong mùa khô từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau.

Gió Đông và Đông Nam xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4.

Gió Tây và Tây Nam xuất hiện trong mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11.

Tốc độ gió vào các tháng mùa mưa thường lớn hơn vào các tháng mùa khô nhưng độ chênh lệch không nhiều.

2 Thủy văn

Tân Thạnh cũng như các huyện vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, hàng năm chịu ảnh hưởng lớn của lũ vào các tháng 8 - 12, trong các tháng này lượng mưa lớn lại gặp triều cường dâng cao nên thường có lũ lớn.

Lũ lớn kéo dài từ 2 - 3 tháng và mức độ ảnh hưởng của lũ tương đối lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn khắp huyện, hầu như trong mùa lũ không xã nào trong huyện không bị ngập lũ.

Mạng lưới thủy văn huyện gồm các kênh, mương toàn huyện, trong đó có kênh Dương Văn Dương, Kênh 12 là hai kênh lớn nhất huyện, chảy ngang qua huyện Tân Thạnh sang Đồng Tháp. Hai kênh này, bắt nguồn từ sông Vàm Cỏ Tây, chịu ảnh hưởng chi phối bởi dòng chảy của Vàm Cỏ Tây.

Kênh Dương Văn Dương, Kênh 12 không chỉ đơn thuần là phục vụ tưới tiêu nước sản xuất nông nghiệp mà còn là giao thông đường thủy quan trọng.

 Tân Thạnh ở sâu trong nội đồng, xa sông Vàm Cỏ Tây với độ mặn nhỏ hơn 4g/lít nên không gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, để giảm bớt tác hại của phèn, Tân Thạnh cần hoàn chỉnh các công trình thủy lợi, trong đó chú trọng kênh tiêu úng thoát phèn.

Tuy nhiên cũng cần chú ý là mặn thường đi đôi với hạn, nếu thủy lợi không hoàn chỉnh sẽ ảnh hưởng gây chết cây trồng hoặc phải bỏ hóa đất đai.

3 Các nguồn tài nguyên

3.1. Tài nguyên đất

Đất đai huyện Tân Thạnh có nguồn gốc từ phù sa châu thổ mang đặc tính thổ nhưỡng và chất lượng đất có độ phì khá cao, đặc biệt là hàm lượng mùn hữu cơ, nhiễm phèn nặng, quá trình khai phá sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thích hợp cho việc trồng lúa, cây ăn quả, cây hoa màu và cây công nghiệp.

Tuy nhiên, trong đất có độ chua cao (lượng pH thấp, Ca+, Mg+, nhiều Cl- và SO42- ) và nghèo lân (P2O5) làm cho năng suất cây trồng không cao.

Đất đai huyện Tân Thạnh có thể chia làm 2 loại chính như sau:

-Nhóm đất phèn: Chiếm 60% diện tích đất tự nhiên của huyện, chiếm 4,5% diện tích phèn của cả tỉnh Long An, phân bố chủ yếu ở phía Tây và phía Bắc huyện Tân Thạnh dọc theo Kênh Dương Văn Dương, tập trung nhiều ở thị trấn Tân Thạnh, xã Kiến Bình, Bắc Hòa, Hậu Thạnh Tây... đất có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét nồng độ độc tố Cl-, SO2-, Al3+, Fe2+ trong đất cao, mất cân đối nghiêm trọng NPK, thường bị ngập, úng trong mùa mưa.

Đất thích hợp trong việc trồng lúa, muốn thâm canh tăng vụ trên loại đất này trước hết phải có biện pháp cải tạo đất và có hệ thống tưới tiêu riêng biệt kết hợp với các biện pháp ém phèn.

-Nhóm đất phù sa ngọt: Chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của huyện và bằng khoảng 19% diện tích đất phù sa ngọt của tỉnh Long An phân bố tập trung ở các vùng trung tâm huyện, nơi có độ cao trên 1m như: Hậu Thạnh Đông, Nhơn Hòa Lập, Nhơn Ninh, Tân Ninh, Tân Lập. Đất có thành phần cơ giới là thịt nhẹ, khả năng giữ nước tốt, giữ phân tốt, đất thích hợp trồng cây lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả...

3.2 Tài nguyên nước

-Nguồn nước mặt: rất phong phú gồm: nước trời (nước mưa, nước lũ, triều cường) và hệ thống kênh rạch tự nhiên như: Kênh Dương Văn Dương, Kênh 12, Kênh 7 Thước, Kênh Quận... cung cấp.

Lượng mưa hàng năm tuy lớn, nhưng phân bố không đều trong năm, mùa mưa quá tập trung, cường độ mưa lớn làm dư thừa nước gây tràn bề mặt đất gò làm rửa trôi, xói mòn đất, kết hợp với lũ và đỉnh triều cao gây úng ngập đồng ruộng.

Ngược lại, mùa khô chỉ chiếm khoảng 20% lượng mưa cả năm nên không thể canh tác nhờ nước trời được, phải dựa vào hệ thống thủy lợi sẵn có trên địa bàn huyện. Song chất lượng kém, nước các kênh rạch xuống thấp nên bị nhiễm phèn từ sông Vàm Cỏ Tây. Do vậy, để có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô rất khó khăn.

-Nguồn nước ngầm: đặc điểm nổi bật về nguồn nước ngầm là sâu, giá thành khai thác cao, nên ít được khai thác.

Qua kết quả khảo sát về nguồn nước ngầm ở Long An của Liên đoàn Địa chất cho thấy, nước ngầm ở Tân Thạnh được tàng trữ trong các trầm tích Pleistocen và Mioxen với 4 tầng chứa nước như sau:

+ Tầng A ở độ sâu: 50 – 130 m;

+ Tầng B ở độ sâu: 170 – 200m;

+ Tầng C ở độ sâu: 250 – 300 m;

+ Tầng D ở độ sâu: 400 m.

Trong khu vực huyện Tân Thạnh nước mạch nông xuất hiện ở độ sâu 30 – 40 m, nhưng do ảnh hưởng của phèn nên chất lượng nước không tốt, khả năng sử dụng cho sinh hoạt bị hạn chế. Hơn nữa, tại Tân Thạnh nước ngầm có tổng độ khoáng hóa thấp (1-3g/l) và PH<4 nên việc sử dụng nước ngầm ở độ sâu <40 m để tưới hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt rất hạn chế. Nước ngầm có khả năng khai thác ở độ sâu 260 – 290 m, trữ lượng 400m3 ngày đêm/giếng, lưu lượng nước 5 lít/s và chất lượng tốt.

Nhìn chung lưu lượng nước khá lớn, nhưng khả năng cung cấp đủ nước cho sinh hoạt của người dân và sản xuất công nghiệp rất hạn chế vì nước ngầm ở tầng sâu giá khai thác cao.

Hiện nay, nước sinh hoạt của người dân trong huyện hầu hết dùng nước mưa và nước kênh rạch qua lọc lắng. Nước ngầm do giá thành khai thác cao nên mới có một số điểm tập trung do nhà nước đầu tư, một số xã vùng sâu đã có sự phối hợp tốt với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã hội hóa cấp nước cho sinh hoạt.

Nước ngầm là một tài nguyên khan hiếm nên trong quá trình khai thác cần quản lý một cách chặt chẽ, không tự ý khai thác một cách tràn lan làm giảm lưu lượng và gây ô nhiễm nguồn nước.

3.3. Tài nguyên rừng

Theo số liệu thống kê đất đai, đến hết năm 2013 huyện Tân Thạnh hiện có 3.890,60ha rừng trồng, được phân bố thành các cụm chủ yếu là cây tràm và một phần là cây bạch đàn, các loại cây này đều được dùng để phục vụ cho sản xuất. Trên thực tế, diện tích đất rừng của huyện có diện tích nhỏ hơn do nhân dân đã khai thác và chuyển sang trồng lúa vì hiệu quả kinh tế mang lại của đất rừng không cao (chủ yếu là rừng tràm). Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm của huyện, bởi muốn phát triển kinh tế bền vững thì phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.

3.4 Tài nguyên khoáng sản

Theo các tài liệu điều tra hiện có, trong lòng đất huyện Tân Thạnh hiện nay đang phát hiện thấy loại khoáng sản than bùn ở xã Tân Hòa.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh